Giày đặc biệt cho bệnh nhân đái tháo đường
Ngoài việc kiểm soát lượng đường huyết, chỉ cần bệnh nhân đái tháo đường mang giày dép y tế sẽ giúp không phải phẫu thuật cắt bỏ chân. Vậy mà khâu phòng ngừa này lại đang bị bỏ quên.
Tại Việt Nam, 50% - 60% bệnh nhân tiểu đường phải nhập viện do biến chứng bàn chân, trong đó có đến 25% trường hợp phải cưa chân. Trong khi, ngoài việc kiểm soát lượng đường huyết tốt, chỉ cần mang giày dép y tế sẽ giúp bệnh nhân không phải phẫu thuật cắt bỏ chân. Vậy mà khâu phòng ngừa này lại đang bị bỏ quên.
Vết loét mau lành trên 60%
Vết loét ở mu bàn chân đã khiến bà N.D.H., 53 tuổi, không thể tự đi mà phải ngồi xe lăn. Sau khi được các bác sĩ (BS) Bệnh viện (BV) Điều dưỡng phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM cho mang giày có đệm mút y tế và tập luyện việc đi đứng trong hai tuần, bệnh nhân (BN) đã tự đi lại được, vết loét ở mu bàn chân cũng trở nên lành lặn.
Trên 50% BN tiểu đường bị loét bàn chân
BS Đinh Quang Thanh - Trưởng khoa Vật lý trị liệu – phục hồi chức năng của BV này cho biết: “BN nên mang loại giày dép này ngay cả khi chưa bị loét chân. Bởi giày dép được lót một miếng mút y tế đã qua xử lý nhiệt. Miếng mút này giúp phân bố đều trọng lượng cơ thể lên tất cả các vị trí bàn chân, chứ không trụ lên vài điểm như gót chân, mu bàn chân... Từ đó, bàn chân sẽ giảm sang chấn, va chạm khi đi đứng và tránh chịu lực tì đè gây lở loét. Đặc biệt, đối với BN đã bị loét chân, miếng đệm mút này cũng nâng đỡ các đốt, khung bàn chân, lòng bàn chân… nên vết loét sẽ mau lành hơn (đến 66%). Từ đó, giúp người bệnh đi lại bình thường”.
BS sẽ dựa vào mức độ tổn thương, biến dạng bàn chân để thiết kế những miếng mút phù hợp. Với BN chưa bị loét bàn chân, chỉ cần mang miếng mút bảo vệ chân và được lót trong loại giày dép thông thường. Nhưng với BN đã cắt bỏ chân, phải mang cả mút và giày y tế. Loại giày dép này được thiết kế dành chung cho những BN bị cắt cụt một phần cho đến hết bàn chân. Tuy nhiên, tùy vào sự siêng năng tập luyện vật lý trị liệu, tuổi tác… mà khả năng đi đứng phục hồi sớm hay muộn.
Giày dép cho BN tiểu đường chưa được quan tâm
ThS-BS Diệp Thị Thanh Bình – Trưởng đơn vị Bàn chân đái tháo đường, BV ĐH Y Dược TP.HCM, giải thích, khi bị tiểu đường, bàn chân dễ loét hoặc nhiễm trùng do mạch máu bị viêm tắc, lượng máu xuống nuôi dưỡng bàn chân kém đi. Đồng thời, lâu ngày BN bị viêm đa dây thần kinh ngoại biên. Hai nguyên nhân này cùng với lượng đường huyết không kiểm soát tốt dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng cho bàn chân rất cao. Ngoài ra, bàn chân càng dễ loét hơn khi chỉ một vài vị trí trên bàn chân thường xuyên chịu lực tì đè hoặc cọ quẹt với các vật cứng. Khi đã bị trầy xước, vết loét càng khó lành, lâu ngày dẫn đến nhiễm trùng, gây hoại tử phải cắt mất chân.
Miếng mút thành phẩm
Do đó, ngoài việc điều trị tại BV, BN nên đến các BS chuyên khoa tiểu đường hay phục hồi chức năng để được tư vấn chọn những loại giày, dép y tế thích hợp nhằm giảm áp lực tì đè, tránh tình trạng biến chứng bàn chân. Nếu đến sớm, có thể điều trị lành mà không phải đoạn chi. Thế nhưng, hiện nay dù các BV có khoa Nội tiết đều đã lập đơn vị Bàn chân đái tháo đường, nhưng việc tư vấn mang giày ngừa lở loét bàn chân, dẫn đến đoạn chi vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi, giá cho mỗi miếng mút gắn vào giày dép cho BN ở Việt Nam chỉ có 58.000đ.
Các BS khuyến cáo, BN cũng không nên mang dép kẹp, giày dép quá chật so với chân, giày mũi nhọn, cao gót, có bờ viền gồ ghề... dễ gây tổn thương bàn chân. Khi mang giày dép y tế không nên cởi bỏ miếng mút dù ở trong nhà. Nếu thấy bàn chân xuất hiện những chỗ rách nứt, bóng nước, thay đổi màu da, chỗ sưng phồng, móng mọc vào trong… cần phải đi khám BS; tránh cắt lể, hơ than, ngâm chân trong rượu, thoa dầu, bôi kem.
Mỗi năm BV Chợ Rẫy TP.HCM điều trị cho khoảng 500 BN bị biến chứng loét bàn chân trong số hơn 2.000 BN tiểu đường nhập viện. Trong đó, 24% BN bị cắt cụt ngang cẳng chân và 16% phải cắt mất ngón chân hoặc nửa bàn chân.
Theo Văn Thanh