>> TẠP CHÍ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ
Bệnh lao hang và lao phổi tái phát- thực trạng đáng lo ngại
Thông thường chẩn đoán bệnh lao phổi thì dựa vào hiện tượng lâm sàn, xét nghiệm đờm, chụp phim X quang. Do phát hiện muộn, điều trị không đúng nguyên tắc, cùng với ý thức người dân chưa cao... do đó dẫn đến lao hang mới và lao phổi tái phát. Đây là diễn biến xấu, giai đoạn cuối của các tổn thương lao phổi gây ra. Các biến chứng rất nặng như ho ra máu nặng, tràn khí màng phổi, giãn phế nang... Bệnh nhân không những là gánh nặng cho gia đình mà còn là nguồn lây lan đáng lo ngại trong cộng đồng
Nghiên cứu để xác định tỷ lệ, đặc điểm lâm sàng, các yếu tố liên quan đến lao hang mới, và lao phổi tái phát để ngăn ngừa, điều trị có hiệu quả. Đó là vấn đề đặt ra cho đề tài nghiên cứu bệnh này, do BS. Huỳnh Đình Nghĩa- Bệnh viênh Chuyên khoa lao làm chủ nhiệm
Trong thời gian từ tháng 1.2005 đến 3.2006 qua điều tra nghiên cứu trên 160 bệnh nhân được chẩn đoán là lao phổi tại tỉnh Bình Định, kết quả cho thấy:
Tỷ lệ bệnh nhân lao phổi tái phát chiếm 4,42% lao mọi thể và 7,63% lao phổi AFB (+). Tỷ lệ lao hang mới chiếm 37,95% lao mọi thể và 65,42% lao phổi AFB (+). Nếu tính theo giới thì tỷ lệ nam mắc bệnh nhiều hơn gấp đôi nữ. Lứa tuổi mắc bệnh nhiều nhất là từ 35-54 tuổi -chiếm 35-37,5%. Từ 65 tuổi trở lên chiếm 27,5-31,2%. Lứa tuổi 55-64 tuổi chiếm từ 18,7-20%
Triệu chứng lâm sàn thường gặp ở lao hang mới và lao phổi tái phát: ho khạc đờm, sốt về chiều, nghe phổi có ran
Triệu chứng ở nhóm lao phổi tái phát là: Đau tức ngực (93,75%), khó thở(60%), lồng ngực lép (81,25%)- cao hơn nhóm lao hang mới: đau ngực(75%), khó thở (38,75%), lồng ngực lép (57,5%)
Đề tài lập 2 nhóm bệnh nhân để theo dõi so sánh về triệu chứng lâm sàn để phân biệt bệnh nhân tái phát và bệnh nhân mới phát. Ở bệnh nhân lao tái phát, ngoài những tổn thương ở lần mắc bệnh này, còn có những di chứng, biến chứng của lần mắc bệnh trước
Chụp X quang thì thể hiện rất rõ tổn thương ở các vùng khác nhau. Vùng cao là đặc điểm của tổn thương lao nói chung. Vùng cao thấp ở nhóm lao phổi tái phát (43,75%) cao hơn nhóm lao hang mới (25%). Số lượng hang ở nhóm lao phổi tái phát cũng cao hơn nhóm lao hang mới. Sự phân bố ở 2 phổi, độ lan rộng độ III, biến đổi cấu trúc ở một phổi ở nhóm lao phổi tái phát cũng cao hơn lao hang mới...
Ở bệnh nhân lao phổi tái phát, ngoài những tổn thương lao mới của lần mắc bệnh này, còn có những hang tồn tại lần mắc bệnh trước. Các tổn thương phân bố, lan rộng, làm biến đổi cấu trúc phổi ... cũng được nghiên cứu phân tích
Xét nghiệm đờm tìm AFB: Ở nhóm lao phổi tái phát AFB (1+) (46,25%) cao hơn nhóm lao hang mới (23,75%). Chung cho cả 2 mức AFB (2+), AFB(3+) ở nhóm lao hang mới (76,25%) cao hơn nhóm lao phổi tái phát (53,75%)
Tiền sử mắc bệnh lao ở nhóm lao phổi tái phát (85%) cao hơn nhóm lao hang mới (18,75%)
Nguồn lây gia đình ở nhóm lao hang mới (81,25%) cao hơn nhóm lao phổi tái phát (15%)
Thời gian chẩn đoán muộn 1-2 tháng có khi trên 2 tháng ở nhóm lao hang mới cao hơn nhóm lao phổi tái phát. Phát hiện muộn, đây là nguy cơ tiềm ẩn làm gia tăng bệnh lao trong cộng đồng. Lý do chẩn đoán muộn là do không hiểu về bệnh lao (44,1%), phát hiện sớm nhưng không chữa sớm(35,3%). Thường người mắc lao hay dấu bệnh, bận công việc làm do nghèo, ít quan tâm đến sức khoẻ, tự chữa bệnh ở nhà... Mọi người cần lưu ý, khi xuất hiện triệu chứng lâm sàn: tức ngực, khó thở, ho ra máu, sốt về chiều, sút cân... cần đi khám chuyên khoa lao để chẩn đoán đúng bệnh, cấp thuốc điều trị. Nếu không sẽ gây ra biến chứng nặng nề
Qua nghiên cứu về việc sử dụng thuốc của 80 bệnh nhân cho thấy, việc sử dụng thuốc không đều, không đủ thời gian chiếm tỷ lệ cao (56,25%). Người bệnh chủ yếu là quên uống thuốc, uống không đủ liều, bận việc làm ăn, đi lại khó khăn, nghèo nên không quan tâm đến sức khoẻ. Đây là nguyên nhân gây tái phát bệnh lao, gây nhờn thuốc khó điều trị. Vấn đề đặt ra là sử dụng thuốc phải có kiểm soát. Ngoài trách nhiệm người bệnh, người nhà bênh nhân; nhân viên y tế, y tế thôn bản cũng phải tích cực hỗ trợ người bệnh, tham gia phòng chống bệnh lao.
TL(Biên tập)