Thứ Sáu, 23/11/2012 09:29
(SKDS) - Không ít ngân hàng muốn mời được một thạc sĩ quản trị học như anh làm giám đốc. Là một luật sư giỏi - một nhà Quốc tế học, anh cũng có không ít nơi săn đón. Nhưng gạt qua tất cả, anh chọn: bác sĩ giải phẫu bệnh!
Làm việc đầu… nòng súng, dưới… mũi dao!
"Tâm sự thật nhiều có lẽ chị đã hiểu phần nào công việc của một bác sĩ giải phẫu bệnh như tôi. Nhưng chị sẽ dễ hình dung hơn rất nhiều nếu tôi kể chị nghe những câu chuyện…", BS. Trần Minh Thông, Trưởng khoa Giải phẫu bệnh - Bệnh viện Chợ Rẫy, Chủ nhiệm Bộ môn Giải phẫu bệnh - Đại học Y Dược TP.HCM nói như vậy sau khi đã trò chuyện với tôi hơn 5 giờ đồng hồ. Giọng anh đều đều: "Cách đây hơn 20 năm có một bệnh nhân đi vùng kinh tế mới bị sốt rét ác tính. Người nhà đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị nhưng rồi đã tử vong.
Lúc bấy giờ, tình hình bệnh sốt rét rất phức tạp. Số người mắc tăng đột biến, số lượng bệnh nhân tử vong rất cao, nói không quá thì nó như một đại dịch, buộc ngành y tế phải nghiên cứu tìm nguyên nhân. Nếu bệnh nhân chết ở bệnh viện do sốt rét thì phải mổ tử thi.
Người con của bệnh nhân đang đi bộ đội nghe tin cha bị sốt rét đã vào viện để thăm. Đến nơi, anh biết ba mình đang bị mổ xác, anh không nói không rằng cầm súng lăm lăm đi tìm bác sĩ để bắn. Tôi đang đứng mổ thì thấy anh giơ súng lên, vứt dao, tôi nhảy qua cửa sổ chạy trốn. Đến khuya mới dám quay lại tiếp tục công việc". Thấy tôi há hốc mồm khi nghe chuyện, anh cười hiền rồi nói: "Ai nghe cũng hoảng sợ nhưng với tôi đó là "chuyện thường ngày ở huyện". Có mấy ai chịu được nỗi đau khi người thân vừa mất đi lại phải mổ banh xác ra", giọng anh đầy chia sẻ.
Nghiên cứu là niềm đam mê cháy bỏng...
Tiếp tục những câu chuyện, anh kể: "Gần đây thôi, bệnh nhân là một ông già phải vào viện cấp cứu vì nhồi máu cơ tim cấp. Nhờ được điều trị, theo dõi kỹ nên tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định. Tối đó, vợ, con rất vui vẻ vì biết ngày mai ông được xuất viện nhưng thật bất ngờ, đến đêm khuya ông già tử vong. Bác sĩ điều trị cho ông đã xem lại toàn bộ hồ sơ và kết luận: ông chết do xuất huyết não.
Người nhà bệnh nhân thắc mắc tại sao ông bị nhồi máu cơ tim giờ lại chết do xuất huyết não? Còn đồng nghiệp của vị bác sĩ này thì cho rằng ông bị… khùng vì tại sao lại không phải là chết do nhồi máu cơ tim? Tôi được mời lên mổ tử thi để biết rõ nguyên nhân. Người nhà của bệnh nhân mặc dù rất thắc mắc nhưng khi biết mổ tử thi thì chỉ thẳng vào mặt tôi tuyên bố thẳng thừng: Nếu bác sĩ mổ sẽ chém chết ngay hoặc nếu không bước ra phòng mổ cũng sẽ bắn chết liền.
Nhìn mặt đằng đằng sát khí của thân nhân người đã mất, tôi không dám hé nửa lời, chỉ cúi mặt đi và âm thầm thực hiện công việc. Sau khi mổ bụng, ngực và đầu thì bệnh nhân tử vong đúng là do xuất huyết não. Bệnh nhân bị xơ cứng mạch máu, dẫn đến tăng huyết áp, thiếu máu rồi bị nhồi máu cơ tim dẫn đến xuất huyết não. Kết quả giải phẫu tử thi không chỉ giải đáp được thắc mắc của người nhà bệnh nhân mà còn cho thấy bác sĩ điều trị là một bác sĩ rất giỏi khi đã chẩn đoán chính xác nguyên nhân tử vong của người bệnh".
Tạm ngưng những câu chuyện, mắt anh nhìn xa xăm, nói với tôi và có lẽ là anh cũng đang nói với chính mình: Giải phẫu bệnh là để tìm ra nguyên nhân bệnh, biết được bản chất của bệnh tật. Bác sĩ giải phẫu bệnh là người chẩn đoán những mẫu bệnh phẩm từ cơ thể người để các baác sĩ lâm sàng căn cứ vào đó mà điều trị. Bác sĩ giải phẫu bệnh không được gặp mặt bệnh nhân. Nhiều khi ông ta cũng không biết được kết quả điều trị ra sao.
Nếu biết thì ông ta chỉ biết khi nào ông ta chẩn đoán sai. Không bao giờ ông ta nhận được một lời cảm ơn từ bệnh nhân khi họ khỏi bệnh. Bởi lẽ, bệnh nhân chỉ biết đến bác sĩ điều trị cho mình. Nhưng họ sẽ tìm đến bác sĩ giải phẫu bệnh để than phiền, trách móc nếu kết quả điều trị không tốt. Tốt nhất, trong suốt cuộc đời làm bác sĩ giải phẫu bệnh, ông ta nên cố gắng để không bao giờ gặp bệnh nhân.
Bác sĩ giải phẫu bệnh phải giải thích được vì sao bệnh nhân chết tại bệnh viện: do bệnh hay do thầy thuốc? Phải rõ ngọn nguồn và đưa ra kết luận. Phải giải phẫu tử thi. Việc này thân nhân không muốn và thầy thuốc cũng không muốn. Áp lực vô hình lại đổ lên vai!
Mong manh lằn ranh thiện - ác
Nguy hiểm. Nghiễm nhiên. Nhưng với một bác sĩ giải phẫu bệnh như anh thì một sự nguy hiểm vô hình còn đáng sợ hơn rất nhiều đó là: lằn ranh giữa thiện - ác. Chỉ một câu trả lời đúng hoặc không của anh sẽ làm cho cục diện của một vụ án hoàn toàn thay đổi. Chân lý sự thật được lên tiếng hay cái ác, sự thờ ơ vô trách nhiệm sẽ lấn át? Câu hỏi tưởng dễ hóa ra lại không. "Cách đây đúng 24 năm, có 2 vợ chồng trẻ ở Thủ Đức lên quận 4 để mua thuyền (người dân Thủ Đức lúc bấy giờ sống trên các cồn, thuyền được dùng để chở khách từ cồn này qua cồn kia – NV). Gặp bọn cò.
Sau đó bọn cò xuống thuê thuyền để chở trâu và trả với giá rất cao (3 chỉ vàng). Đến 12 giờ không thấy chồng về, người vợ bảo em trai đi tìm nhưng không thấy. Sau đó, bố vợ đi tìm thì thấy xác nằm ở cồn, bị ghim dưới cây đước. Xác được đưa về dưới chân cồn. Công an tới và mời tôi xuống để giám định tử thi. Nói là giám định nhưng công an chỉ bảo tôi khai sơ rồi ký vào cho là anh này bị chết đuối. Và cho gia đình đưa đi mai táng cho xong vì xác đã bốc mùi hôi thối. Tôi cứ trăn trở mãi và rồi đã tự một mình ra chỗ để xác. Khi tôi đến gần xác chết thì ruồi xanh từ xác chết bâu đen kín từ đầu đến chân. Rùng mình, ớn lạnh nhưng tôi vẫn tiến lại gần rồi ngồi xuống rạch một đường trên da đầu và thấy một cục máu bầm.
Vậy là án mạng. Cưa sọ thì sọ đã vỡ. Quả nhiên khi công an đi điều tra thì phát hiện bọn cò đã giết hại người chồng. Sau khi thuê thuyền ra đến giữa sông thì chúng dùng búa đánh vào đầu cho đến khi anh gục xuống rồi bỏ đi. Nhưng sau đó chúng quay lại dìm anh xuống bùn để mọi người nghĩ anh này bị chết ngạt". Nếu tôi thờ ơ, vô trách nhiệm không mổ tử thi hay làm lấy lệ là chỉ mổ ở dưới thì đã không thể vạch trần tội ác.
Lên giảng đường là niềm hạnh phúc vô bờ của BS. Trần Minh Thông.
Bảo vệ bệnh nhân hay lo cho đồng nghiệp?
32 năm làm ngành giải phẫu bệnh là 32 năm trong từng giờ, từng phút anh phải sống trong sự giằng co: bảo vệ bệnh nhân hay lo cho đồng nghiệp? Đã có trường hợp do bác sĩ mổ trễ nên bệnh nhân bị tử vong. Anh không khó khi đưa ra kết luận dẫu anh phải chịu sự bực tức, ghét bỏ của đồng nghiệp. Nhưng cũng có lúc kết luận đã rõ ràng, anh vừa khẳng định sự thật vừa bảo vệ đồng nghiệp nhưng vẫn bị nhận sự phản đối quyết liệt. "Năm 1990, một nam thanh niên bị sốt đến khám ở phòng mạch của bác sĩ tư.
Bác sĩ chẩn đoán anh bị sốt do nhiễm siêu vi nên cho thuốc cảm cúm và hẹn 3 ngày sau tái khám. 3 ngày sau, anh tái khám không gặp bác sĩ nên anh tới khám ở phòng mạch của BS. L., bác sĩ chẩn đoán anh bị sốt rét nên truyền nước biển. Truyền chưa xong, bác sĩ vừa đi lên nhà quay lại thấy bệnh nhân rét run. Nghĩ là bệnh nhân bị sốc dịch truyền nên BS. L vội vã rút dây rồi đổ dịch truyền vào miệng. Và lập tức kêu xích lô đưa bệnh nhân vào cấp cứu tại bệnh viện C.C.T.V. Bệnh nhân tiếp tục được truyền dịch nhưng sau đó đã tử vong và được chẩn đoán do sốc phản vệ.
Công an quận TB. mổ tử thi và kết luận sốc dịch truyền. Tôi cũng tham gia vào ca mổ nhưng không tìm thấy bằng chứng để chứng minh bệnh nhân bị sốc. Mà bệnh nhân bị bệnh cúm ác tính phổi, viêm phổi siêu vi không phải do sốc dịch truyền. Trong trường hợp này nếu không truyền bệnh nhân vẫn tử vong. Khi tôi đưa ra kết luận này, BV C.C.T.V đã phản đối và sau đó giận tôi đến 1, 2 năm mới thôi. Riêng gia đình bệnh nhân sau đó đã đến nhà BS. L. nằng nặc đòi bồi thường dẫu lỗi hoàn toàn không phải do bác sĩ".
Trong y học, tử thi là người thầy vĩ đại. Tử thi đã giúp bác sĩ giải phẫu bệnh chỉ ra chân lý sự thật: Cái chết đó là do bệnh tật hay cái chết đó là do sự tắc trách, thờ ơ và cũng có thể là do chuyên môn yếu kém của bác sĩ. Là một bác sĩ luôn có khả năng đứng trước sự phán xét của dư luận và pháp luật để trả lời đúng hoặc không; Bệnh nhân chết do thầy thuốc hay do bệnh? Muốn có được câu trả lời chuẩn xác, anh đã đánh đổi bằng hàng ngàn ngày đêm nghiên cứu, trở trăn. 12 giờ đêm, đang nằm, đột nhiên anh lồm cồm bò dậy, vội vàng chạy vào bệnh viện, đi thẳng đến nhà xác.
Đã có kết quả sau nhiều ngày mày mò nghiên cứu không ra. 32 năm làm bác sĩ giải phẫu bệnh, anh ở nhà được khoảng 6 chủ nhật, ra khỏi bệnh viện về nhà sớm nhất lúc 7, 8 giờ tối được đôi ba lần. Toàn bộ thời gian anh dành cho mổ xẻ, nghiên cứu và giảng dạy. Nếu không lên giảng đường, nếu không phải tu nghiệp ở nước ngoài thì phòng nghiên cứu của anh ở bệnh viện đèn lúc nào cũng sáng. Đó có thể là 9 giờ tối, 12 giờ khuya hay 3 giờ sáng.
"Có trong tay nhiều bằng đại học danh giá cả ở trong nước và quốc tế. Nhiều nơi trải thảm đỏ chỉ chờ để được đón anh. Cơ duyên nào đưa anh tới với ngành giải phẫu bệnh? Nguy hiểm nhiều, khó khăn cũng lắm và thiệt thòi cũng hơn?". Anh không trả lời câu hỏi mà khẽ khàng cất tiếng hát:
"Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ để dành phần ai!
Ai cũng một thời trẻ trai, cũng thường nghĩ về đời mình…".
Tôi đã từng nghĩ và từng phấn đấu để trở thành một nhà Kinh tế học. Tôi đã trở thành một luật sư. Và tôi cũng là một nhà Quốc tế học. Lúc còn học phổ thông, tôi chưa từng nghĩ mình sẽ làm bác sĩ lại càng không nghĩ mình sẽ là bác sĩ giải phẫu bệnh. Nhưng rồi tôi đã chọn và tôi đã đi. Tôi yêu say đắm cái ngành mà nhiều người muốn bỏ, nhiều bác sĩ đến khi nghỉ hưu mới dám nói với vợ: anh là bác sĩ giải phẫu bệnh.
Bên tôi là những khối u, là những tử thi vô tri vô giác, là những sự bực tức của đồng nghiệp vì sai sót của họ bị phơi bày, là đủ thứ những gian khổ, những hiểm nguy… Nhưng bên tôi cũng lại có vô vàn niềm hạnh phúc: Là những tử thi vô tri nhưng giúp tôi tìm ra mô hình bệnh tật, là những khối u nhưng lại giúp tôi mang lại sự sống cho nhiều người. Mà lại cũng là tử thi nhưng buộc tội ác phải cúi đầu nhường chỗ cho chân, thiện, mỹ được thăng hoa!
Bài và ảnh: Nguyễn Huyền