Thứ ba, 4/12/2012, 08:37 GMT+7
Đi 15 bệnh viện mới biết bị rối loạn tâm thần
Nhiều năm nay, ông Phạm Văn Bảo, 55 tuổi, Hà Nội bị tâm thần nhưng không biết. Trước khi vào Viện sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai, ông đã ròng rã khám ở 15 cơ sở y tế khắp Hà Nội.
"8 năm rồi thỉnh thoảng tôi bị những cơn đau tim, tim đập nhanh, chân tay, cơ bụng co thắt..., vốn tưởng bệnh tim nên tôi đi khám ở nhiều bệnh viện. Sau còn chụp cắt lớp hầu hết các cơ quan trong cơ thể, rồi đi cúng, lễ mà vẫn không tìm ra bệnh. Ai mách gì tôi cũng đi chữa, bác sĩ đưa thuốc gì cũng uống. Tính đến nay, số thuốc tôi uống phải chất đầy bao tải rồi", ông Bảo nói.
Theo ông Bảo - làm bảo vệ một công viên ở Hà Nội - đầu óc ông còn tỉnh táo hơn cả người bình thường bởi ông vốn chẳng phải suy nghĩ hay bị stress gì, sức khỏe tốt, ăn ngủ được... Chỉ đến khi gặp được một người cũng bị các dấu hiệu giống mình, được chẩn đoán là lo âu - trầm cảm và chữa khỏi bệnh, ông Bảo nghe theo đến khám tại Viện sức khỏe tâm thần.
Bác sĩ đưa cho ông làm những câu trắc nghiệm. Lúc đầu ông làm rất tốt nhưng càng làm càng hoảng, lộn xộn hết cả. Thế rồi ông chữa ở đây. "Bác sĩ ví von bệnh tôi là chứng bệnh 'giả vờ'. Bình thường rất khỏe mạnh nhưng lúc lên cơn thì đau khủng khiếp lắm, tưởng như đột quỵ luôn, nhiều khi đang ngủ tự nhiên tỉnh dậy như bị sờ tay vào điện", ông Bảo khẳng định.
"Rất có thể do trận sốt siêu vi trùng năm 48 tuổi mà từ đó cơ thể tôi bị trục trặc", ông xác định nguyên nhân.
Ông Bảo không biết mình bị rối loạn tâm thần nhiều năm nên đã đi chữa tim, dạ dày... Uống đến cả "bao tải" thuốc. Ảnh: Phan Dương.
Ở phòng bệnh bên cạnh, chị Hoài (43 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) hồ hởi tiếp chuyện khách, đơn giản vì chị "muốn có người trò chuyện cho nhanh khỏi bệnh".
Chị Hoài nhập viện đã 28 ngày, thấy khá hơn nhiều so với trước bằng những biểu hiện cụ thể như ăn được, ngủ được, bớt đau đầu, đi lại vững vàng hơn mà không cần người khác dìu.
Cách đây 6 tháng, tự nhiên chị Hoài lâm trọng bệnh không rõ nguyên nhân. Chị đi khám 5 bệnh viện, cùng nhiều cơ sở y tế khác mà chỉ nhận được một kết luận "không có bệnh". Người nhà chán, không muốn đưa đi nữa nhưng chị vẫn khăng khăng mình có bệnh.
"Đầu tôi đau, căng như dây đàn. Cả đêm không sao chợp mắt. Buổi sáng thức dậy, bụng xót, người nao nao ghê gớm như kiểu người thiếu rau. Thế nhưng lại không thể nuốt được hạt cơm nào vào bụng. Tôi đòi đi bệnh viện nhưng gia đình không cho", chị Hoài cho biết.
Tình trạng này cứ ngày một kéo dài, cơ thể chị yếu ớt, không thể đi lại được. Muốn đứng lên đi lại là chị ngã uỵch xuống đất như đang vồ ếch. Đầu đau kinh khủng khiến chị tưởng do bệnh xoang từ nhỏ nhưng bác sĩ bảo không phải. "Tôi đã nghĩ mình chết 100% rồi", chị kể.
May sao đi khám ở khoa Thần kinh, bệnh viện Bạch Mai, rồi sau đó chuyển về Viện sức khỏe tâm thần, chị Hoài mới biết mình bị một rối loạn cần được các bác sĩ chuyên khoa tâm thần điều trị.
Người phụ nữ tứ tuần cho biết, chị vốn mạnh mẽ, tháo vát, kiếm tiền chính trong gia đình. Vợ chồng chị kinh doanh đồ cưới hỏi, có hai cửa hàng ở nhà và ở chợ. Có ngày chị không ngủ, hôm sau cũng không ngủ bù.
"Trước hôm tôi phát bệnh một tuần, chồng tự nhiên đi đâu về, mở cửa ra rồi cầm luôn điếu cày đánh tôi một trận không rõ lý do. Tôi sửng sốt rồi điên cuồng như con thú chống đỡ, cũng không biết có phải lý do này không", chị bổ sung.
Mỗi ngày có cả trăm bệnh nhân không biết mình đang bị mắc một trong các chứng rối loạn tâm thần đến Viện sức khỏe tâm thần điều trị. Ảnh: Phan Dương.
Theo bác sĩ Dương Minh Tâm - Phòng điều trị các rối loạn liên quan đến stress, Viện sức khỏe tâm thần, cơ thể con người là một khối thống nhất nên bất cứ một thay đổi nào của tâm thần cũng ảnh hưởng đến cơ thể và ngược lại.
Tuy nhiên, thông thường bệnh nhân tâm thần đến khám có những biểu hiện như buồn rầu, bi quan, chán ăn, mất ngủ... Những bệnh nhân bị biểu hiện qua những cơn đau thì rất khó phát hiện.
"Rối loạn lo âu và trầm cảm là hai chứng phổ biến trong con người, nhất là những người có nhân cách yếu hoặc có nhiều stress trong cuộc sống. Tuy nhiên, có khoảng 70 - 80% số bệnh nhân không nhận ra mình bị rối loạn này dẫn đến không được điều trị một cách thỏa đáng", bác sĩ Tâm nói.
Có những lý do sau làm cho các bác sĩ đa khoa và bệnh nhân không nhận ra một rối loạn đáng ra phải điều trị tại chuyên khoa tâm thần:
1. Do biểu hiện bệnh tồn tại dưới nhiều dạng, trong đó có dạng không điển hình, thay vì triệu chứng cảm xúc thì người bệnh thường biểu trội hơn về các triệu chứng cơ thể như:
- Đau ở nhiều nơi trong cơ thể: đau đầu, đau kiểu dạ dày – đại tràng, đau cơ bắp hoặc xương khớp…, đau tức ngực, tim đập nhanh
- Tiểu nhiều lần trong đêm
- Rối loạn giấc ngủ
- Giảm cảm giác ngon miệng, sút cân
- Giảm nhu cầu tình dục...
Chính vì các triệu chứng này mà người bệnh thường đi khám tại các chuyên khoa tim mạch, tiêu hóa nhiều hơn là tâm thần nên không được chẩn đoán đúng và kịp thời.
2. Do yếu tố kỳ thị của xã hội, có hiểu biết chưa đầy đủ về lĩnh vực tâm thần.
3. Do khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế...
Theo các bác sĩ, khi thấy cơ thể thay đổi, xuất hiện những triệu chứng cơ năng, sau khi khám không thấy tổn thương tương ứng tại các cơ quan trong cơ thể kết hợp với sự thay đổi về cảm xúc như căng thẳng, lo lắng hay buồn, mệt thì cần nên đến chuyên khoa tâm thần để được khám và điều trị vì đây là vấn đề có thể điều trị được bằng thuốc kết hợp liệu pháp tâm lý.
"Thực tế tại Viện sức khỏe tâm thần, mỗi ngày có hàng trăm bệnh nhân như trên được điều trị", bác sĩ Dương Minh Tâm khẳng định.
* Tên nhân vật đã thay đổi.
Phan Dương